Tiểu sử Nguyễn Tuấn Anh: Chàng “Nhô” của bóng đá Việt Nam

Nguyễn Tuấn Anh quê tại xã An Quý, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Sinh năm 1995 nên Tuấn Anh cũng là lứa cầu thủ đầu tiên được đào tạo tại học viện bóng đá nổi tiếng Hoàng Anh Gia Lai JMG của bầu Đức.

Tiểu sử Nguyễn Tuấn Anh: Cuộc đời, sự nghiệp và những chấn thương

Sinh ra trong một gia đình có thể xem là khá giả ở tỉnh Thái Bình. Tuấn Anh có bố làm Phó giám đốc bệnh viện, còn mẹ từng làm cán bộ ngành ngân hàng nhưng đã quyết định về hưu sớm để có nhiều thời gian hơn chăm sóc cho gia đình. Ngoài ra, Tuấn Anh còn có một chị gái đang làm việc tại một ngân hàng ở Hà Nội.

Từ thuở còn là một cậu học sinh tiểu học, tài năng và niềm đam mê với trái bóng tròn của Tuấn Anh đã được bộc lộ rõ nét. Thời điểm đó, khả năng xử lý và tư duy chơi bóng của Tuấn Anh đã được đánh giá là nổi bật hơn so với những đứa trẻ cùng trang lứa.

Bắt đầu từ những giải bóng đá nhi đồng cấp trường, cấp xã và rộng hơn là cấp tỉnh, Tuấn Anh luôn là gương mặt được chú ý nhất sau mỗi giải đấu. Không lâu sau đó, chàng cầu thủ sinh năm 1995 có tên trong danh sách được tuyển chọn vào tập luyện tại trung tâm thể thao tỉnh Thái Bình.

Tại giải bóng đá nhi đồng toàn quốc tổ chức ở Khánh Hòa năm 2004, Tuấn Anh là một trong số những nhân tố quan trọng giúp cho đội tuyển U11 Thái Bình lên ngôi á quân. Cùng năm đó, anh nhận được giấy mời của trường năng khiếu Thái Bình.

Tuy nhiên chỉ sau khoảng nửa năm tập luyện tại đây, bất chấp những nỗ lực cố gắng giữ Tuấn Anh ở lại của các thầy, bố mẹ Tuấn Anh đã xin cho con về vì lo gián đoạn trong việc học văn hóa nhưng có lẽ lý do chính nằm ở cơ sở vật chất và điều kiện ăn ở, tập luyện không thực sự tốt. Dẫu biết rằng Tuấn Anh lúc bấy giờ là một trong số ít những cậu nhóc có tư duy chơi bóng và kỹ thuật vượt trội nhưng dù sao thì Thái Bình ngay cả hiện tại vẫn không phải địa phương mạnh về thể thao. Nỗi niềm của bậc làm cha mẹ lo lắng cho tương lai của con cũng là điều hợp lẽ mà thôi.

Tiểu sử Nguyễn Tuấn Anh: Chàng "Nhô" của bóng đá Việt Nam 1

Ảnh thuở nhở của Nguyễn Tuấn Anh

Năm 2007, khi học HAGL JMG mở đợt chiêu sinh đầu tiên, với khát khao được chơi bóng Tuấn Anh một lần nữa ứng tuyển và đã xuất sắc vượt qua 164 cậu bé khác trở thành thí sinh trúng tuyển có điểm số cao nhất trong đợt tuyển chọn năm đó.

Lần này, để thỏa ước mơ của con, bố mẹ Tuấn Anh nhất định tạm gác lại công việc để vào tận Gia Lai tìm hiểu về học viện bóng đá của bầu Đức. Sau khi trực tiếp trao đổi với ban lãnh đạo đội bóng phố núi cũng như tận mắt chứng kiến quy mô rộng lớn, hiện đại và chuyên nghiệp của trung tâm Hàm Rồng, ông bà đã thật sự bị thuyết phục. Đó cũng có thể xem là bước ngoặt lớn nhất trong sự nghiệp chơi bóng của Nguyễn Tuấn Anh.

Sau 7 năm ăn tập ở học viện HAGL JMG, năm 2012 Tuấn Anh cùng Xuân Trường, Công Phượng và Đông Triều được chọn sang tập huấn tại Arsenal và chỉ duy nhất Tuấn Anh được đích thân HLV Arsene Wenger giới thiệu đến CLB Olympiakos thử việc. Không may là trong buổi tập ngay trước Tết Nguyên đán 2012, Tuấn Anh gặp phải chấn thương vô cùng nghiêm trọng ở đầu gối, đứt dây chằng và vỡ sụn chêm đầu gối trái buộc phải trải qua quá trình hồi phục lâu dài và rất tốn kém.

Những chấn thương liên tiếp tưởng chừng đã phá hủy sự nghiệp Tuấn Anh

Trở lại sau chấn thương, Tuấn Anh có màn ra mắt tương đối ấn tượng tại V-League 2015. Kết thúc mùa giải năm đó Hoàng Anh Gia Lai, Tuấn Anh được bầu Đức tạo điều kiện cho sang Yokohama FC thi đấu tại giải J-League 2 của Nhật Bản theo dạng hợp tác trao đổi cầu thủ. 

SEA Games 28 diễn ra giữa năm 2015, Tuấn Anh bất ngờ dính chấn thương cơ nhị đầu đùi mặc dù đã được HLV Miura điền tên vào danh sách tham dự giải. Cũng chính chấn thương này đã khiến Tuấn Anh không thể kịp bình phục và chấp nhận bỏ lỡ cơ hội tham dự Vòng chung kết U23 châu Á 2016 được tổ chức ở Hàn Quốc chỉ 6 tháng sau đó.

chấn thương Nguyễn Tuấn Anh 1

Chấn thương khiến Tuấn Anh phải rời đội tuyển ngay trước thềm SEA Games 28

Kết thúc năm 2016, Tuấn Anh không gia hạn hợp đồng với CLB Yokohama mà trở về chơi bóng tại V-League trong màu áo Hoàng Anh Gia Lai. Vẫn tưởng mọi thứ tồi tệ đã ở lại phía sau thì đến cuối năm 2016, Tuấn Anh bị rách sụn chêm đầu gối phải và một lần nữa phải tiến hành phẫu thuật. Một lần nữa Tuấn Anh đành ngậm ngùi bỏ lỡ AFF Cup 2016 dù HLV đội tuyển Việt Nam khi đó Nguyễn Hữu Thắng đã điền tên anh vào bản danh sách sơ bộ.

Chấn thương đầu gối luôn là một thứ vô cùng tồi tệ, nỗi ám ảnh với bất cứ cầu thủ bóng đá nào, mức độ nghiêm trọng có lẽ chỉ xếp sau gãy chân. Thế nhưng khi sự nghiệp chỉ mới bắt đầu, Tuấn Anh đã phải đối mặt với những ca phẫu thuật ở cả 2 đầu gối. Thật khó để hình dung những gì chàng trai lúc đó mới 22 tuổi đã phải trải qua.

2 năm sau lần lỡ hẹn với VCK U23 châu Á 2016, trước VCK U23 châu Á ở Thường Châu năm 2018, giải đấu mà U23 Việt Nam đã tạo nên kì tích vô tiền khoáng hậu ít người biết rằng Tuấn Anh trước đó đã được HLV Park Hang-seo triệu tập để tham dự giải giao hữu M-150 tại Thái Lan. Tuy nhiên, cảm giác bóng và thể lực không đảm bảo khiến Tuấn Anh tiếp tục phải ngồi nhà.

Không lâu sau đó, khi mùa giải V-League 2018 mới chỉ diễn ra được 2 vòng đấu, trong trận đấu giữa HAGL và Hải Phòng, nỗ lực tranh chấp đã khiến Tuấn Anh có pha va chạm với chính người đồng đội của mình và phải rời sân ngay lập tức. Kết quả kiểm tra ban đầu tại bệnh viện 108 cho thấy đầu gối Tuấn Anh được chẩn đoán dính đa chấn thương như rạn sụn lồi cầu ngoài khớp gối phải, phù nề dây chằng chéo trước, phù nề trước sụn chêm ngoài, tổn thương gân cơ kheo.

May mắn hơn các lần chấn thương trước, lần này Tuấn Anh được đưa sang Hàn Quốc điều trị và tập phục hồi dưới sự hướng dẫn trực tiếp của “thần y” Choi Ju-young. Ông là chuyên gia trị liệu thể thao và đã từng điều trị cho những cầu thủ Hàn Quốc nổi tiếng như Lee Jong-kook, Lee Geun-ho, Ahn Jung-hwan và đặc biệt là Park Ji-sung.

Chấn thương này khiến Tuấn Anh bỏ lỡ ASIAD 2018 – giải đấu mà Olympic Việt Nam lần đầu vào bán kết và cả chức vô địch AFF Cup 2018 sau 10 năm chờ đợi.

chấn thương Nguyễn Tuấn Anh

Thầy Park đến thăm Tuấn Anh khi đang điều trị chấn thương tại Hàn Quốc

Biệt danh chàng “Nhô”

Tại đội tuyển và cả ở CLB, nhiều đồng đội thường gọi Tuấn Anh với cái tên khá lạ “Nhô”. Thật ra biệt danh này đã có từ hơn 7 năm trước và người đặt cho Tuấn Anh cái tên này chính là thầy Graechen. Lý do là vì ông nhận thấy cầu thủ số 8 có tư duy chơi bóng phảng phất nét gì đó giống với siêu sao người Brazil Ronaldinho.

>> Xem thêm:

Tiểu sử Nguyễn Tiến Linh: Tiền đạo trẻ đầy hứa hẹn của bóng đá Việt Nam

Tiểu sử thủ môn Đặng Văn Lâm: Kẻ lắm tài thì cũng nhiều tật!

Bình Luận

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Related Posts