“Cừu đen” trong bóng đá là gì?
Trong bóng đá, khái niệm “cừu đen” được dùng để ám chỉ những cá nhân có xu hướng gây rối loạn hoặc thao túng quyền lực trong nội bộ đội bóng. “Cừu đen” ở đây là nhóm cầu thủ có tài năng nhưng cùng với đó thì cái tôi của họ cũng vô cùng lớn. Những hành động, phát ngôn của họ sẽ đi ngược lại với chiến thuật của huấn luyện viên hay thậm chí là cả tinh thần chung của cả đội. Mặc dù vậy, nếu huấn luyện viên có đủ cái uy và cách xử lý khôn khéo, những “cừu đen” này vẫn có thể tỏa sáng rực rỡ mang lại thành công cho đội bóng.
Những trường hợp “cừu đen” điển hình trong bóng đá
1. Mario Balotelli (Liverpool)
Mario Balotelli, được biết đến với biệt danh “Ngựa chứng”, là một cầu thủ tài năng nhưng luôn đi kèm với các hành động gây tranh cãi. Thời còn khoác áo Liverpool, Balotelli nhanh chóng chứng minh cho HLV Brendan Rodgers thấy rằng bỏ 16 triệu bảng đưa cầu thủ này về từ AC Milan là một sai lầm lớn.
Brendan Rodgers muốn Liverpool chơi pressing cường độ cao nhưng Balotelli lại rất thờ ơ trong việc hỗ trợ phòng ngự. Trên sân tập, anh chàng còn tỏ thái độ bất cần, sẵn sàng bỏ tập ngay trước mặt huấn luyện viên.
Gây rối trên sân tập chưa đủ, Balotelli còn gây tranh cãi ngay trên sân khi thản nhiên giành quyền sút penalty của Jordan Henderson trong trận đấu với Besiktas tại lượt đi vòng 1/16 Europa League mùa 2014 – 2015. Đó là chưa kể những lần trở thành tiêu điểm của giới truyền thông ở Anh vì các phát ngôn xúc phạm tôn giáo và mang tính phân biệt chủng tộc trên mạng xã hội.

Balotelli giành quyền sút 11m trong trận đấu với Besiktas
Khi Jürgen Klopp tới vào mùa hè 2016, Balotelli lập tức bị đẩy đi với thành tích chỉ vỏn vẹn 4 bàn thắng trong 28 trận ra sân cho Liverpool.
2. Chelsea
Jose Mourinho cùng Chelsea bắt đầu mùa giải 2015 – 2016 với tư cách là nhà đương kim vô địch Ngoại hạng Anh sau một mùa giải thành công vượt bậc. Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau, chẳng ai có thể ngờ Chelsea lại sớm rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng, đội bóng trượt dài trên bảng xếp hạng, có lúc thậm chí đã tụt xuống gần với nhóm xuống hạng.
Tháng 12/2015, Mourinho bị sa thải sau khi đội chỉ giành được 15 điểm sau 16 trận. Một trong những nguyên nhân chính được truyền thông đồn đoán là sự bất đồng giữa “Người Đặc Biệt” và các cầu thủ, đặc biệt là nhóm trụ cột.
Mourinho công khai chỉ trích các cầu thủ trước truyền thông vì đã không thi đấu hết mình. Ông cho rằng “họ” đã chơi thiếu kỷ luật và không tuân thủ chiến thuật, điều mà ông mô tả là “bị phản bội”. Trong một cuộc phỏng vấn sau trận thua Leicester City vào ngày 14/12/2015, Mourinho từng nói: “Tôi cảm thấy công việc của mình bị phản bội” (I feel my work is betrayed).

Mourinho bất lực trong trận đấu với Leicester City mùa giải 2015 – 2016
Theo đồn đoán của truyền thông phương Tây thì “họ” được Mourinho nhắc tới là nhóm cầu thủ gồm: Eden Hazard, Cesc Fàbregas và Diego Costa. Hazard bị cáo buộc là không tập trung và thiếu khát khao thi đấu, trong khi Fàbregas được cho là “cừu đen đầu đàn” lãnh đạo nhóm cầu thủ chống lại Mourinho.
Thật khó tin khi Eden Hazard, cầu thủ nhận danh hiệu xuất sắc nhất Ngoại hạng Anh mùa 2014 – 2015 đã không thể ghi bàn trong gần hết mùa giải 2015 – 2016 cho đến tận trận đấu với Bournemouth vào ngày 23/4/2016. Một sự sụt giảm không thể lý giải so với mùa giải trước.
Mâu thuẫn giữa Eden Hazard với Mourinho có thể bắt nguồn từ việc Mourinho muốn Hazard phải tích cực tham gia phòng ngự nhiều hơn.
Cesc Fàbregas, người được cho là cầm đầu nhóm cầu thủ chống lại Mourinho. Câu nói “thà thua còn hơn thắng vì Mourinho” từng được liên hệ với cầu thủ người Tây Ban Nha, dù sau đó Fàbregas đã lên tiếng phủ nhận.
Diego Costa, tiền đạo từng ghi 20 bàn mùa trước, cũng bị chỉ trích vì thái độ thiếu chuyên nghiệp. Anh từng bị bắt gặp cố ý ném áo tập về phía Mourinho trong một buổi tập trước trận đấu.
Cách các huấn luyện viên xử lý “cừu đen”
1. Sir Alex Ferguson và Roy Keane
Roy Keane, đội trưởng huyền thoại của Manchester United, nổi tiếng với tính cách thẳng thắn và lối chơi quyết liệt. Sau trận thua 1 – 4 trước Middlesbrough, Keane đã tham gia một buổi phỏng vấn trên MUTV, nơi anh công khai chỉ trích các đồng đội Rio Ferdinand, Darren Fletcher, Alan Smith, John O’Shea và Kieran Richardson.
Những lời chỉ trích của Keane được mô tả là “rất gay gắt” đến mức Sir Alex Ferguson và Giám đốc điều hành David Gill phải quyết định không phát sóng buổi phỏng vấn này.
Mặc dù nội dung chính xác của buổi phỏng vấn không được công bố nhưng theo những thông tin bị lọt ra ngoài thì đội trưởng “Man đỏ” đã cáo buộc một số cầu thủ với đại ý là “thi đấu ỷ lại vào danh tiếng”, “thiếu nỗ lực” và “không hiểu lối chơi của đội”.
Sir Alex Ferguson ngay sau đó đã triệu tập cuộc họp toàn đội để thảo luận về hành vi của Keane. Chưa đầy 1 tháng sau trận đấu với Middlesbrough, Manchester United ra thông báo chấp nhận để Roy Keane ra đi ngay lập tức. Đây là cách để Sir Alex bảo vệ sự đoàn kết của đội bóng.

Sir Alex chấp nhận loại bỏ đội trưởng Roy Keane để duy trì trật tự đội bóng
2. Mikel Arteta và Pierre-Emerick Aubameyang
Pierre-Emerick Aubameyang từng là đội trưởng khi còn thi đấu cho Arsenal với thành tích khá ấn tượng ghi 92 bàn sau 163 trận, Aubameyang đã giúp đội bóng đoạt 1 FA Cup, 1 Siêu Cup Anh và ngôi á quân Europa League mùa 2018 – 2019. Ngoài ra, tiền đạo người Gabon còn là một trong những cầu thủ nhận mức lương cao nhất tại Ngoại hạng Anh, lên tới 476.000 USD mỗi tuần. Với tư cách là đội trưởng cùng kinh nghiệm thi đấu đỉnh cao ở cả Đức và Anh, Aubameyang có tiếng nói trong phòng thay đồ và ảnh hưởng đáng kể đến lứa cầu thủ trẻ tài năng như Bukayo Saka, Gabriel Martinelli và Emile Smith Rowe.
Tuy nhiên, sự nghiệp của Aubameyang tại Arsenal lại không trọn vẹn vì những vấn đề liên quan tới kỷ luật. Theo tờ The Athletic, một sự cố đáng chú ý xảy ra vào ngày 14/03/2021, khi anh bị HLV Mikel Arteta loại khỏi đội hình xuất phát vì đến trễ trước trận derby Bắc London với Tottenham.
Cùng năm đó, tháng 12/2021, Aubameyang lại vướng vào một rắc rối khác. Anh xin phép rời đội để thăm mẹ ở Pháp nhưng trở về tập trung chậm một ngày. Hậu quả là Aubameyang bị Mikel Arteta tước băng đội trưởng.
Bên cạnh các vấn đề kỷ luật, phong độ của Aubameyang cũng suy giảm trong giai đoạn đầu mùa bóng 2021 – 2022 với vỏn vẹn 4 bàn trong 14 trận tại giải Ngoại hạng Anh. Điều này càng làm căng thẳng mối quan hệ giữa anh và Arteta. Cuối cùng, Arteta đi đến quyết định dứt khoát thanh lý hợp đồng với Aubameyang, bất chấp tầm ảnh hưởng lớn của cầu thủ này. Đó là cách huấn luyện viên người Tây Ban Nha duy trì kỷ luật trong nội bộ đội bóng, đồng thời răn đe bất cứ cầu thủ có hơi hướng muốn trở thành “cừu đen” của đội.
Thương vụ kết thúc vào những phút cuối cùng của kỳ chuyển nhượng mùa đông 2022, Aubameyang đồng ý chuyển đến Barcelona. Arsenal chịu trách nhiệm trả 313.000 USD tiền lương cùng khoản phí 10 triệu USD thanh lý hợp đồng, trong khi Barcelona đảm nhận phần lương còn lại 136.000 USD mỗi tuần.

Arsenal chấp nhận chịu thiệt cả về nhân sự và tài chính để đẩy đi Aubameyang theo ý của Mikel Arteta
“Cừu đen” trong bóng đá không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để các huấn luyện viên thể hiện tài năng trong việc quản lý phòng thay đồ của mình. Với trường hợp của Roy Keane hay Aubameyang, Sir Alex Ferguson và Mikel Arteta đã chọn cách xử lý cứng rắn nhất, đặt lợi ích câu lạc bộ lên trên tất cả lợi ích của bất kỳ cá nhân nào, cho dù đó có là công thần, là đội trưởng của đội. Qua đó, chúng ta có thể thấy vai trò của huấn luyện viên không chỉ dừng lại ở việc chiến thuật mà còn là nghệ thuật quản lý con người.