Tiền thưởng giải Ngoại hạng Anh

Tiền thưởng của giải Ngoại hạng Anh luôn là chủ đề hấp dẫn được đem ra bàn luận mỗi khi mùa giải kết thúc. Cũng bởi vì từ lâu Ngoại hạng Anh luôn được xem là giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh nên cách thức chia thưởng và số tiền mỗi đội nhận được luôn thu hút sự quan tâm rất lớn từ người hâm mộ.

Cách phân chia tiền thưởng ở Ngoại hạng Anh

Các đội bóng thi đấu tại giải đấu cao nhất nước Anh sẽ được chia thưởng thông qua hệ thống doanh thu được xây dựng từ 5 thành phần chính: 3 khoản cố định và 2 khoản tùy biến.

Khoản tiền thưởng cố định

Trong 3 khoản cố định thì có 2 khoản đến từ bản quyền truyền hình nội địa và bản quyền phát sóng quốc tế (equal share).

Khoản còn lại được chia từ phần doanh thu thương mại chung của giải đấu (central commercial). Tất cả các khoản này đều được chia đều cho 20 đội tham dự.

Quảng cáo

Trong mùa giải 2023-24, mỗi câu lạc bộ nhận được 31,2 triệu bảng từ bản quyền phát sóng tại Anh. 55,7 triệu bảng từ bản quyền phát sóng quốc tế và 8,2 triệu bảng từ các thỏa thuận thương mại.

Điều này có nghĩa là chỉ cần góp mặt, mỗi đội sẽ chắc chắn cầm trong tay số tiền lên tới 95,1 triệu bảng (126,7 triệu USD) bất kể thành tích thi đấu ra sao.

Khoản tiền thưởng tùy biến

Khoản thưởng tùy biến sẽ phụ thuộc vào 2 yếu tố:

1. Vị trí cuối mùa trên bảng xếp hạng (merit payment).

2. Số lần các trận đấu của họ được truyền hình trực tiếp tại Anh (facility fees).

Hai yếu tố này có thể làm thay đổi đáng kể tổng số tiền mà mỗi đội có thể nhận được. Lấy trường hợp như Man City, đội vô địch mùa giải 2023-24, đã nhận tổng cộng 175,9 triệu bảng từ nguồn thu cố định và tùy biến.

Quảng cáo

Trong khi đó, Sheffield United, đội xếp cuối bảng, chỉ nhận được 109,7 triệu bảng.

Sự chênh lệch này cho thấy vị trí trên bảng xếp hạng và mức độ phủ sóng trên truyền hình của mỗi đội có sức ảnh hưởng lớn như thế nào đến khoản tiền thưởng mà họ nhận được.

Tiền thưởng theo thứ hạng

Nói rõ thêm về khoản tiền thưởng theo thành tích. Vị trí sau khi kết thúc vòng 38 sẽ quyết định số tiền thưởng theo thứ hạng của các đội. Con số sẽ giảm dần từ đội vô địch cho tới đội xếp chót bảng. Số tiền thưởng được chia đã gồm cả doanh thu phát sóng nội địa và quốc tế.

Ở mùa giải 2023-24, mỗi vị trí cao hơn trên bảng xếp hạng sẽ giúp các đội kiếm thêm khoảng 2,8 triệu bảng. Man City với vị trí đầu bảng nhận được 56,4 triệu bảng. Sheffield United xếp cuối chỉ nhận vỏn vẹn 2,9 triệu bảng.

doanh thu các câu lạc bộ giải ngoại hạng anh 2023-2024

Tiền thưởng các đội bóng tại giải Ngoại hạng Anh nhận được mùa 2023-24

Ngoài ra, tùy vào tổng doanh thu của giải đấu theo từng mùa mà các con số này sẽ có sự thay đổi. Ví dụ, trong mùa 2022-23, mức chênh lệch giữa các bậc thậm chí còn cao hơn, trung bình khoảng 3,1 triệu bảng/bậc.

Số lần được phát sóng

Mặc dù tiền thưởng theo tần suất được phát sóng không biến động mạnh như tiền tưởng theo thành tích nhưng vẫn có sự chênh lệch rõ nét dựa trên số lần các đội xuất hiện trên sóng truyền hình trực tiếp tại Anh, đặc biệt là với nhóm “Big Six”.

Mùa 2023-24, Man City, Man United, Arsenal, Liverpool, Chelsea và Tottenham là những đội kiếm được nhiều tiền nhất từ khoản này. Bởi vì đây là các đội có số lượng cổ động viên cũng như sức hút toàn cầu rất lớn, dù cho phong độ thực tế ở mùa giải nào đó có thể khá tệ.

Các đội tầm trung hoặc mới nổi như Everton, Newcastle, Aston Villa hay West Ham cũng nhận được số tiền đáng kể từ khoản này.

Có một điểm đáng chú ý là với các câu lạc bộ nhỏ, thường sở hữu các sân vận động có sức chứa hạn chế thì lại càng ít được ưu tiên phát sóng trên TV. Vì vậy số tiền nhận được đương nhiên cũng ít hơn.

Điển hình như Crystal Palace, dù kết thúc mùa giải ở vị trí thứ 10, họ chỉ nhận được 13,5 triệu bảng. Trong khi đó, Everton mặc dù thua tận 5 bậc, lại kiếm được 20,2 triệu bảng, hơn Crystal Palace tới gần 7 triệu bảng.

Từ đây chúng ta có thể hiểu được vì sao mỗi mùa hè các đội bóng Anh lại rất tích cực tham dự tour du đấu đến các thị trường đông dân như ở Đông Nam Á, Trung Quốc hay Mỹ. Một công đôi việc, vừa kiếm được tiền lại có thể quảng bá cho thương hiệu của đội bóng.

Khoản trợ cấp xuống hạng (parachute payments)

Bị rớt hạng rõ ràng là điều mà bất kỳ câu lạc bộ nào cũng muốn tránh, không chỉ vì yếu tố chuyên môn mà còn là vấn đề về tài chính. Như đã phân tích ở trên, đội kết thúc mùa giải ở vị trí càng thấp thì phần tiền thưởng họ nhận được càng ít. Và một khi đã xuống hạng thì cú sốc tài chính còn lớn hơn nữa.

Ví như khi lên hạng thì sẽ có rủng rỉnh tiền thưởng để mua sắm, đưa ra mức đãi ngộ tốt hơn để lôi kéo các cầu thủ mới đến và giữ chân trụ cột. Nhưng khi đã xuống hạng rồi thì không còn đủ nguồn tiền để duy trì cho các khoản này.

Để giảm bớt thiệt hại đó, ở giải Ngoại hạng Anh họ có một cơ chế gọi là tiền trợ cấp xuống hạng (parachute payments). Các khoản này nhằm giúp các đội sau khi rớt hạng có thể dần thích ứng với việc phải chơi ở hạng dưới (Championship), bù đắp cho các khoản thất thu từ bán vé, tài trợ và đặc biệt là bản quyền truyền hình.

Trong năm đầu tiên sau khi xuống hạng, đội bóng nhận 55% khoản tiền được chia từ bản quyền truyền hình như khi còn chơi ở Ngoại hạng Anh.

Năm thứ hai, họ nhận 45%. Và nếu từng chơi tại Ngoại hạng Anh từ 2 mùa trở lên trước khi xuống hạng, thì năm thứ ba được nhận 20%.

Trường hợp nếu đội bóng sớm thăng hạng trước khi hết 3 năm, các khoản trợ cấp xuống hạng chưa chi sẽ bị cắt và phân bổ trở lại cho các đội còn đang chơi ở Ngoại hạng Anh. Trong những năm gần đây, các khoản này có giá trị khoảng 30 triệu bảng/mùa cho mỗi đội rớt hạng.

Mặc dù nghe có vẻ hợp lý thế nhưng hệ thống này đang vấp phải nhiều chỉ trích vì tạo ra lợi thế tài chính không công bằng cho các đội mới xuống chơi ở Championship. Một số nghiên cứu cho thấy: các câu lạc bộ nhận được tiền trợ cấp xuống hạng có khả năng thăng hạng cao gấp 3 lần so với các đội khác. Dẫn tới việc một số đội thường xuyên cứ thăng rồi lại rớt hạng giữa hai giải.

Lịch sử mức tăng tiền thưởng ở Ngoại hạng Anh

Kể từ khi giải Ngoại hạng Anh được thành lập từ mùa 1992-93, các khoản tiền thưởng đã tăng chóng mặt. Bắt đầu chỉ với 38 triệu bảng chia cho 22 đội bóng.

Sau 31 năm, với sự phát triển và sức hút bùng nổ trên toàn cầu của giải đấu, con số này đã tăng vượt bậc tới 75 lần, đạt gần 2,85 tỷ bảng trong mùa giải 2023-24.

Xu hướng tài chính hiện tại của Ngoại hạng Anh vẫn chưa có dấu hiệu chững lại. Các hợp đồng bản quyền truyền hình tiếp tục được mở rộng cả trong nước và quốc tế. Các nền tảng streaming cùng sự kiểm soát chặt chẽ hơn luồng phát sóng lậu cũng đang góp phần thúc đẩy giá trị bản quyền lên mức cao hơn.

Từ đó cho thấy, tiền bạc đổ vào giải đấu danh giá nhất nước Anh sẽ còn tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.

Quảng cáo
Bài viết liên quan