Công nghệ VAR là gì? – Bóng đá xưa nay vẫn được xem là môn thể thao vua không chỉ bởi sự hấp dẫn và kịch tính mà nó mang lại mà còn là vì bóng đá có thể đưa người xem đi đến mọi cung bậc của cảm xúc hỷ, nộ, ái, ố chỉ trong vài khoảnh khắc ngắn ngủi. Những bàn thắng bị từ chối, những tấm thẻ đỏ oan nghiệt hay những pha tiểu xảo qua mặt trọng tài… tất cả giờ đây sẽ phải thay đổi với sự ra đời của một công nghệ rất hiện đại trong nỗ lực để giúp các trận đấu trở nên công bằng hơn.
Công nghệ VAR trong bóng đá là gì?
Công nghệ VAR viết tắt từ cụm từ Video Assistant Referee có nghĩa là Công nghệ video hỗ trợ trọng tài. VAR được hình thành từ dự án Refereeing 2.0 vào đầu những năm 2010 dưới sự chỉ đạo của Hiệp hội bóng đá Hoàng gia Hà Lan (KNVB). Không lâu sau đó, hệ thống này lần đầu được thử nghiệm tại Giải vô địch quốc gia Hà Lan (Eredivisie) ở mùa giải 2012-2013.
Năm 2014, tức sau 1 năm kể từ ngày bắt đầu được thử nghiệm, KNVB chính thức nộp đơn kiến nghị lên Hội đồng Liên đoàn bóng đá quốc tế (IFAB) cho phép sửa đổi luật để công nghệ VAR có thể được tiếp tục thử nghiệm ở mức độ rộng hơn. IFAB chấp thuận đề xuất này cùng với đó là một lộ trình cụ thể được đưa ra ở cuộc họp hội đồng chung vào năm 2016. Thư ký IFAB thời điểm đó, Lukas Brud cho biết “Với những công nghệ như 4G và Wi-Fi trong sân vận động ngày hôm nay… chúng tôi hiểu rằng cần phải làm điều gì đó để bảo vệ các trọng tài khỏi những sai lầm mà mọi người có thể nhìn thấy ngay lập tức”.
Thế nhưng, thực tế thì không phải tất cả đều ủng hộ đề xuất đưa công nghệ vào kiểm soát bóng đá mà một trong số những người phản đối mạnh mẽ nhất chính là người có tiếng nói quan trọng nhất cựu Chủ tịch FIFA Sepp Blatter, người sau này bị buộc phải rời ghế vì những dính líu tới vụ bê bối tham nhũng tồi tệ nhất trong lịch sử FIFA năm 2015. Người kế nhiệm Sepp Blatter, đương kim Chủ tịch FIFA Gianni Infantino thì ngược lại, tỏ thái độ rất ủng hộ việc áp dụng công nghệ VAR vào bóng đá.
Giải vô địch quốc gia Úc (A-League) là giải đấu đầu tiên sử dụng công nghệ VAR trong cuộc đối đầu giữa Melbourne City và Adelaide United vào ngày 7 tháng 4 năm 2017. Mặc dù trận đấu sau đó đã kết thúc mà không cần đến bất cứ sự hỗ trợ nào từ hệ thống VAR nhưng chỉ 1 ngày sau, những người ủng hộ VAR bắt đầu thấy được hiệu quả của nó trong trận đấu Wellington Phoenix gặp Sydney FC cũng tại A-League. Từ một tình huống để bóng chạm tay trong vòng cấm gây tranh cãi, trọng tài đã quyết định nhờ cậy đến VAR và cho Sydney FC thực hiện một quả phạt đền. Trận đấu hôm đó kết thúc với tỷ số hòa 1 – 1.
Ngày 3/3/2018, 3 tháng trước thời điểm diễn ra VCK World Cup 2018, bất chấp những luồng ý kiến phản đối IFAB vẫn chính thức đưa VAR vào Luật bóng đá (Laws of the Game) mở đường cho việc áp dụng công nghệ này trong tất cả 64 trận đấu ở kỳ World Cup vừa qua tại Nga.
Công nghệ VAR hoạt động như thế nào?
Sau khi đã biết công nghệ VAR là gì, chúng ta hãy tìm hiểu về cách mà hệ thống này được vận hành. Lấy ví dụ như tại VCK World Cup 2018, mỗi sân vận động đăng cai trận đấu sẽ được FIFA cho lắp đặt riêng tổng cộng 33 camera. Trong số đó, có 8 là loại camera quay siêu chậm (super slow-motion) và 4 chiếc khác thuộc dạng quay siêu siêu chậm (ultra slow-motion). Tới vòng đấu knock-out, có thêm 2 camera quay siêu siêu chậm nữa được đặt ngay phía sau cầu môn của mỗi đội.
Chưa hết, hệ thống này còn có 2 camera được giao theo nhiệm vụ chuyên dõi các tình huống việt vị. Lượt đấu cuối cùng của bảng B giữa Tây Ban Nha và Morroco, hệ thống camera bắt việt vị của VAR đã phát huy tác dụng khi công nhận bàn thắng gỡ hoà của Tây Ban Nha vào những phút bù giờ đầy kịch tính cuối trận đấu, đồng thời giúp Tây Ban Nha có tấm vé đi tiếp vào vòng sau.
Toàn bộ các tình huống diễn ra trên sân sẽ được các camera ghi hình và truyền trực tiếp tới một trung tâm đặc biệt đặt tại thủ đô Moskva được gọi là VOM (The Video Operation Room), nơi có 13 vị trợ lý video hay còn gọi là trọng tài phụ chờ sẵn để phân tích các dự liệu thu về. Trong 13 vị trợ lý này, có 1 người được chọn cho từng trận đấu và hoạt động cùng đội ngũ gồm 3 trợ lý trọng tài video khác (AVAR1, AVAR2 và AVAR3).
Các trợ lý video sẽ tập trung quan sát các tình huống quay chậm để thông báo cho trọng tài chính mỗi khi phát hiện các lỗi bị bỏ qua hoặc trường hợp trọng tài chính cần thêm ý kiến về một tình huống nhạy cảm trên sân. Sau khi tham vấn, quyết định cuối cùng được đưa ra vẫn thuộc về trọng tài chính.
Để tránh việc lạm dụng công nghệ VAR, FIFA chỉ cho phép sử dụng VAR trong 4 trường hợp thường gây tranh cãi lớn và ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả trận đấu:
– Bàn thắng và tình huống dẫn đến bàn thắng.
– Phạt đền và tình huống dẫn đến phạt đền.
– Tình huống dẫn đến thẻ đỏ. Đây vẫn là một trong những trường hợp gây nhiều tranh cãi nhất và cũng tác động rất lớn tới kết quả trận đấu.
– Nhầm lẫn cầu thủ trên sân.
Khi muốn xem lại một trong các tình huống kể trên, trọng tài chính sẽ đưa tay vẽ hình chữ nhật vào khoảng không phía trước nhằm ám chỉ một màn hình TV nhỏ đặt phía ngoài sân. Tại khu vực đặt màn hình này, trọng tài chính sẽ cùng trao đổi với tổ trọng tài VAR và xem kỹ tình huống ở nhiều góc quay khác nhau, bao gồm cả các góc quay từ các camera siêu chậm sau đó trọng tài chính phải trực tiếp đưa ra quyết định cuối cùng của mình.
>> Luật bàn thắng sân khách là gì? Cách tính luật bàn thắng sân khách